Lời bàn: Có rất nhiều người Bố, người Mẹ như Ông Nguyễn Hữu Định và Bà Hoàng Thị Thanh trên đất nước hình chữ S này. Khó khăn trăm bề vẫn cố gắng lo cho các con từng miếng cơm manh áo, định hướng cho các con những con đường đi đúng, nhằm làm người có ích cho Xã hội. Tôi tin chắc rằng đây mới là những bậc Cha Mẹ đáng được vinh danh, không như những người như Bố Mẹ Phương Uyên hoặc bản thân của Phương Uyên với vài đồng usd , làm tay sai kéo cái thây ma cờ vàng về nước mà được đám "dân chủ " gọi là " yêu nước " " hào kiệt" " như Bà Trưng , Bà Triệu" " Bà mẹ sinh ra những anh hùng"......
HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA?
.Mai Thanh Hải - Một ống cổng nằm chỏng chơ, nghếch lên giữa ruộng, giữa bề bộn rác thải và đất bùn, bên trong là tấm giát giường và túi nilon rách đựng mấy bộ quần áo cũ; một chiếc quần đùi rách, chằng đụp vết vá to bằng nắm tay, phơi bên cạnh; 3 "ông đầu rau" được kê tạm bợ từ 3 viên gạch chỉ, nhặt từ công trường xây dựng bên cạnh; 3 can nhựa đựng nước sinh hoạt, tắm rửa hàng ngày; bộ bơm - vá - chữa xe đạp xe máy trị giá khoảng 300.000 VND... - Đó là gia tài, đồng thời là nơi "sống - chiến đấu - lao động" của ông Nguyễn Hữu Định (sinh năm 1961, ở thôn Động Phí, xã Phương Tú, Ứng Hòa, TP. Hà Nội) từ nhiều năm qua, để kiếm từng đồng mỗi ngày, nuôi 4 đứa con đã và sắp học Đại học, suốt bao nhiêu năm qua, ngay cuối đường Lê Văn Lương, TP. Hà Nội.
4 người con của ông: Nguyễn Thị Huyền, SV năm cuối ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Thị Huy, SV Cao đẳng Xây dựng và 2 cậu con trai sinh đôi năm 1995 là Nguyễn Hữu Tiến (vừa là thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27) và Nguyễn Hữu Tiền (đỗ ĐH Bách khoa khối A 26 điểm và ĐH Y Hà Nội với số điểm 25).
Dĩ nhiên, ông Nguyễn Hữu Định cũng có vợ ở "hậu phương vững chãi" là bà Hoàng Thị Thanh, nhưng "người hậu phương" cũng phải lăn lộn "chia lửa" chả khác gì... "tiền tuyến": 1 mình chăm sóc 9 sào ruộng, đi vặt lông vịt thuê từ 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng hôm sau, với thù lao 2.500 đồng/con...
Câu chuyện về vợ chồng nghèo đến không còn gì để nghèo này, được báo chí phát hiện thông qua việc cậu Thủ khoa Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến cao chưa đến 1m60, nặng chưa đủ 50 kg, nhận được yêu cầu từ BCH Quân sự huyện "có mặt ở nhà để nhận lệnh nhập ngũ".
Và cũng dĩ nhiên, trước khi phát hiện gia cảnh của gia đình, dư luận chia làm 2 phe: Đi học và đi bộ đội. Thế nhưng, khi câu chuyện về người cha của Tiến được phát lộ, những ý kiến "vào bộ đội tu dưỡng, rèn luyện" đa số đều dừng lại (trong đó có mình), nhường cho sự thương cảm, sâu sắc.
Có thể không thương cảm được không, khi người đàn ông này, buổi sáng chỉ uống nước sôi để nguội, nhịn ăn sáng và chi tiêu tằn tiện dưới mức 20.000 VND/ngày (tức là chỉ bằng 2/3 bát phở bình dân - tầm thường, có giá 30.000 VND bán ở vỉa hè Hà Nội?.
Có đau xót không, khi người đàn ông này phải chọn đoạn đường Lê Văn Lương kéo dài mới mở, tít gần Thiên đường Bảo Sơn, lác đác xe cộ đi lại và hãn hữu lắm mới có người bơm vá xe, mà không dám mon men lên đoạn Lê Văn Lương không kéo dài, để hành nghề, bởi sợ bị "đồng nghiệp" đánh đập, Công an - Dân phòng đẩy đuổi, thu giữ, phạt tiền?..
Có chạnh lòng không, khi người đàn ông này, ở gần quê nhà đấy nhưng không dám về thăm 2 con trai, sợ miếng cơm - muôi canh trong mấy bữa của con ở nhà, bị bớt xén do thêm miệng ăn và ngay 2 con gái đang học ở Hà Nội, cũng ít dám đến, phần vì bố cấm, phần vì cũng tủi thân trước phận nghèo bố mẹ, giữa đô thị phồn hoa?..
Tất cả đều dừng lại trước cụm từ: Cùng quẫn nhưng Vĩ đại.
Cũng quẫn quá đấy chứ, khi cuộc sống thô sơ quá thời nguyên thủy, ngay trong lòng "Trái tim của cả nước"...
Vĩ đại quá đấy chứ, khi cùng quẫn đến thế nhưng vẫn nuôi cả bầy con ăn học đàng hoàng, không những thế còn học giỏi, vào hết Đại học, thậm chí là Thủ khoa của Trường Đại học danh tiếng nhất nhì toàn quốc, mà không một lời kêu ca oán thán trách móc, xin xỏ hỗ trợ từ người thân, xóm làng cho đến chính quyền... Tất cả chỉ cắn răng lại nhịn nhục, để nuôi con.
Bởi vì sự "Cùng quẫn nhưng Vĩ đại" đó, mà ngay từ khi những bài viết - hình ảnh về "người cha sống trong ống cống, nuôi 4 con học Đại học" được đăng tải (chủ yếu trên báo mạng và trang cá nhân), đã khơi dậy sự đồng cảm - chia sẻ trong toàn thể cộng đồng: Từ 1 học sinh cấp 2, vẫn mặc nguyên đồng phục, đeo khăn đỏ, tìm đến biếu vài trăm nghìn đồng tiền tiết kiệm cho đến 1 Doanh nhân có tiếng, tặng cả chục triệu đồng, giúp ổn định trước mắt; từ 1 nữ viên chức tằn tiện từng đồng lương, chở con đến tặng tấm Thẻ mua hàng cho đến 1 doanh nghiệp xin được nhận ông bố vào làm bảo vệ với mức lương 3.000.0000 VND tháng, giúp cả phần ở ăn; 1 phóng viên Truyền hình tập sự, xin ủng hộ cả nửa tháng lương cho đến 1 nhà hảo tâm, từ mãi tít miền Nam xa xôi, mong được giúp đỡ 2 tân sinh viên số tiền ăn ở mỗi tháng, cho đến khi ra trường...
Thế nhưng, cũng từ những thực tế đang diễn ra từ phút ở "ống cống" bây giờ, mới thấy rõ hơn bao giờ hết, cái gọi là "sự quan tâm - giúp đỡ" của chính quyền: Không 1 lời động viên, không 1 món quà, không một lời thăm hỏi, ngoại trừ ông Bí thư Đảng ủy xã rút ví cho riêng 2 tân sinh viên 500.000 VND và "vượt quyền", lệnh cho hệ thống loa truyền thanh trong xã phát lời biểu dương gia đình có 4 con vào Đại học, có 1 Thủ khoa Đại học lớn ở Thủ đô...
Người xưa có câu: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia".
Người ta cũng thường tự hào: "Thăng Long - Hà Nội là đất học, đất khoa bảng, chiêu hiền đãi sĩ".
Thế nhưng, với tất cả những gì diễn ra quanh câu chuyện "bố ở ống cống, mẹ nhổ lông vịt thuê nuôi 4 con học Đại học", dư luận có quyền đặt dấu hỏi về "hành động" của những người thường hay hô hào trên báo chí, truyền hình và Hội nghị về Khuyến học - Giáo dục.
Đất Ứng Hòa nguyên ở Hà Tây, không xa trung tâm Hà Nội, nên có thể chạy ù tý, về xem ngôi nhà tranh vách, lõm cả nền, để nhìn cậu bé được tạm gọi là thanh niên, chỉ cao hơn đứa trẻ học lớp 7 vài cm, có vác nổi khẩu AK-47, 3 cơ số đạn, 3 quả lựu đạn và quân tư trang, tổng trọng lượng 30 kg, bằng 2/3 trọng lượng cậu bé, khi hành quân dã ngoại?..
Ống cống xi măng ngoài bãi đất hoang, đối diện Khu Đô thị mới Dương Nội, ở cuối đường Lê Văn Lương kéo dài, lại càng gần hơn nữa, để rẽ xe biển xanh biển đỏ mới kính coong qua thăm người cha, đúng thật "người rừng" nơi phố thị, đang sống cuộc sống thời nguyên thủy, nuôi con...
Chuyện khuyến học và trọng dụng người tài, không chỉ dừng lại ở việc hô hào, tổ chức rình rang tặng quà nơi cụ Rùa Văn Miếu, mà rất cần những lời nói - hành động thực, đối với những gia đình thực, hoàn cảnh thực, công dưỡng dục - sinh thành thực...
Nếu quên điều này, chả chính thể nào giữ được người tài, nữa là đòi gọi "nguyên khí Quốc gia"...
---------------------------------------------------------
Chiều ngày 12/8/2013, Nhà báo Lê Bình (Ban Thời sự - Đài Truyền hình Việt Nam) đã đến tận nơi ông Nguyễn Hữu Định sinh hoạt và kiếm sống (vá xe, bơm xe và ở trong ống cống, cuối đường Lê Văn Lương - HN), trao số tiền 10.000.000 VND của Doanh nhân Trần Bắc Hà, giúp ông Định ổn định cuộc sống tạm thời, nuôi 4 con học Đại học (2 con gái đầu học ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội, Cao đẳng Xây dựng Hà Nội, con trai thứ 3 là Nguyễn Hữu Tiến vừa là thủ khoa 29,5 điểm Trường ĐH Y Hà Nội, vừa đỗ ĐH Dược với số điểm 27; con trai út Nguyễn Hữu Tiền đỗ ĐH Bách khoa (khối A, 26 điểm); thi ĐH Y Hà Nội với số điểm 25 điểm).
Hình: Nhà báo Lê Bình (bên phải), trao quà của Doanh nhân Trần Bắc Hà cho ông Định và 2 con trai Tiến - Tiền.
Nguồn: Mai Thanh Hải
Thật đáng suy ngẫm: cứ hỏi tại sao dân không tin vào chính quyền nữa. bệnh QUAN LIÊU - XA DÂN.
Trả lờiXóaBạn phải thực tế ra sao hãy nói chứ
Trả lờiXóa