Hỏi: Ông nghĩ gì về tất cả những chuyện đang xảy ra quanh vụ JFK hiện nay?
Đáp: “Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là chuyện Mertz chưa từng bị thẩm vấn. Thứ nhất là ông ta có mặt ở nơi xảy ra biến cố, rồi ông ta bị FBI trục xuất, chuyển qua Canada. Người ta không tống khứ một kẻ tình nghi vội vã như thế. Người ta cố gắng khai thác thông tin từ ông ta. Ông ta đang làm gì ở đó? Rõ ràng là đã không có một cuộc điều tra nghiêm túc. Kết quả là, Mertz có thể tiếp tục những hoạt động phi pháp của mình. Tôi thấy thật kỳ lạ là giới thẩm quyền Mỹ – những người có thể dễ dàng tìm ra tôi – lại không hề truy tìm Mertz để thẩm vấn nghiêm túc. Khi họ tìm đến tôi, tôi đã chứng minh được rằng tôi không phải kẻ có mặt ở Dallas, rằng tôi chưa từng tới nước Mỹ. Thế thì có thể là ai khác nữa? Tôi tin rằng Mertz đã ở đó vào ngày đó. Tại sao họ không tin? Từ đó, vì thông tin này dẫn tới thông tin khác, họ lẽ ra phải thẩm vấn Mertz, ông ta là kẻ nhận lệnh từ Sanguinetti, chuyển các thông tin đi. Ông ta lẽ ra phải bị thẩm vấn và khai ra những gì ông ta biết, ít nhất là về những quan hệ với mafia, qua những đường dây của ông ta, những gì ông ta đã làm trong việc buôn bán ma tuý và những điều đại loại như thế. Ông ta chẳng bao giờ bị thẩm vấn hoặc chú ý. Thay vì thế, ông ta đã chết trong một lâu đài sang trọng tại Pháp, để lại cả đống tiền bạc. Tôi có thể nói thật với bà rằng một sĩ quan quân đội Pháp kiếm chẳng được bao nhiêu tiền đâu.
“Tôi tự hỏi tại sao. Tại sao Mertz được mật vụ Pháp bảo vệ trước người Mỹ? Có thể rằng mật vụ Pháp sợ Mỹ sẽ khám phá ra sự thật chăng?
“Tôi hoảng thật sự khi nghe nói rằng người Mỹ muốn phỏng vấn tôi. Họ tiếp cận tôi theo một kiểu rất lạ, họ bảo: “Chúng tôi đang chuẩn bị một cuốn sách”, họ nói, “một cuốn sách về OAS. Tôi bảo họ: “Nghe đây, tôi có thể kể cho các ông nghe những gì đã xảy ra, những gì tôi biết về OAS”. Nên người Mỹ đến đây và tôi chờ đợi họ bởi vì tôi có thể mường tượng ra cảnh tôi bị mang qua Mỹ để thẩm vấn về OAS. Thực vậy. Bạn biết trong những kênh tiếp xúc đó người ta có phương tiện để làm ai đó bốc hơi. Nên tôi đã có những đề phòng…
“Thế là những người Mỹ tới, tự giới thiệu và nói với tôi họ đang chuẩn bị một cuốn sách về OAS và câu hỏi thứ nhất của họ là “Ông đang làm gì ở Dallas vào ngày Kennedy bị ám sát?” “Tại sao các ông tới đây?”. Tôi hỏi: “Tôi không có mặt ở đó và chẳng có gì để nói”.
“Họ bỏ đi theo kiểu ta thường nói, một tay trước mặt, một tay sau lưng. Sau này tôi khám phá ra họ là dân CIA.
“Tại sao lại là tôi, chứ không phải Mertz? Tôi thấy thật là là ông ta chưa từng bị thẩm vấn.
“Dù gì đi nữa, Mật vụ Pháp hẳn cũng đã biết về việc chuẩn bị vụ ám sát nhưng đã không đưa thông tin này cho giới chức Mỹ. Hoặc có thể thông tin đã được chuyển đi và nó đã bị ém nhẹm”
Rồi Souetre nói thêm về khả năng Mertz đội tên Souetre: “Điều đó sẽ dễ dàng cho Mertz, nhờ sự hỗ trợ của Sanguinetti. Trước hết, để có được giấy tờ bạn phải có người làm, và chỉ có Vụ thông tin là làm được chuyện đó. Và để có thể luồn lách theo kiểu ông ta đã làm và nhất là với hồ sơ của ông ta mà cảnh sát nắm được, ông ta hẳn phải có sự giúp đỡ rất lớn từ cấp cao.
“Tất cả những sự kiện đều cho ta thấy rằng mật vụ Pháp, các tổ chức song hành, barbouze và các thứ như thế, đều có dính líu trong lĩnh vực này, điều đó chứng minh sự hiện diện của Mertz tại Dallas vào ngày xảy ra tội ác ấy.
“Nhưng tôi thấy thật kỳ lạ là người Mỹ chẳng bao giờ cố đào bới sâu hơn. Bây giờ thì Mertz đã chết được năm năm rồi. Họ có rất nhiều thời gian để đi gặp cảnh sát Pháp với một uỷ ban nghiên cứu. Một uỷ ban như thế đã tới tra tấn tôi. Họ có thể làm tương tự với Mertz. Tôi đã nói với họ những gì tôi đang nói với bà đây”.
Hỏi: Ông tin rằng Mertz được các giới chức cao hơn bảo vệ?
Đáp: “Ông ta được bảo vệ rất kỹ, ông ta luôn được cứu ra khỏi các tình huống khó khăn bởi các ông chủ của mình. Tôi chẳng thể cho bà một manh mối gì về họ. Tôi chỉ có thể gửi cho bà bản sao hồ sơ cảnh sát về ông ta. Thật lạ khi thấy rằng sau khi ông ta đã làm mọi chuyện như thế…”
Hỏi: Làm sao ông có được những hồ sơ đó?
Đáp: “Tôi có thể nói với bà rằng tôi lập tức quan tâm tới Mertz khi nhận ra chiều hướng của các diễn biến. Tôi tự nhủ mình phải tìm ra càng nhiều chuyện về nhân vật này càng tốt. Một kẻ giống như ông ta có dáng dấp hoàn hảo của một tên gangster. Và điều đó có lý. Ông ta cưới bà đó, Martel, kẻ nằm trong một băng đảng còn dính líu nhiều hơn. Nếu bạn có được một hệ thống nhà thổ ở Canada bạn phải có sự bảo kê nào đó, ít nhất là bảo kê riêng chống lại các kẻ thù. Tôi tin rằng Martel có liên quan tới mafia. Bọn mafia thậm chí có thể đã cộng tác trong các hoạt động của ông ta. Vợ của Mertz sẽ không hé môi…Bà ta không cần tiền vì đã đủ giàu. Người ta không thể hỏi mua hồ sơ về chồng bà ta. Những người như vậy thường không để lại bất kỳ hồ sơ nào. Nhất là khi Mertz đã được huấn luyện trong nghề barbouze, ở đó người ta được dạy cách không để lại cái gì cả, không bao giờ để lại các ghi chép, không bao giờ giữ bất kỳ ghi chép gì. Chỉ có khi nào bạn muốn đe doạ tiết lộ ông chủ của mình; nhưng trong trường hợp này ông chủ lại quá mạnh: đe doạ tiết lộ với Sanguinetti có lẽ quá khó. Và dĩ nhiên Sanguinetti sẽ chẳng bao giờ nói gì cả.
Hỏi: Về chuyện Mertz buôn bán ma túy, ông có nghĩ tôi sẽ tìm được điều gì đó trên báo chí không?
Đáp: “Từ thời kỳ đó thì có thể, nhưng tôi không chắc chắn đó là lúc nào. Tôi chẳng có bằng chứng nào về chuyện đó vì tất cả chỉ là lời đồn lan truyền trong giới tụi tôi, nhưng chắc chắn là có những đường dây giữa các cơ quan công quyền Pháp từ DGSE để kiếm tiền tài trợ cho các chiến dịch của họ bằng cách sử dụng trò buôn bán ma tuý tại Mỹ. Và Mertz đặc biệt có thể sử dụng các cơ quan lính Mỹ được giải ngũ về Mỹ để vận chuyển trong hành lý của họ những lượng ma tuý đáng kể.
“Tôi nghĩ rằng vào thời đó, chuyện này đã bị Cục ma tuý Mỹ khám phá và hẳn đã có ít nhiều tiếng vang trên báo chí. Nhưng đây chẳng phải điều có thể khai thác được. Bây giờ cũng vậy, làm rùm beng chuyện này lên cũng chẳng có lợi gì cho Pháp. Người Mỹ hiện nay và nhất là Cục ma tuý phải có thông tin về chuyện này trong tàn thư của họ”.
Hỏi: Và đây là lúc Mertz bị bắt?
Đáp: “Ông ta bị bắt rồi mau chóng được thả ra nhờ sự can thiệp của Sanguinetti. Nếu người Mỹ yêu cầu cảnh sát Pháp bắt Mertz, ta hoàn toàn có thể tin rằng Sanguinetti sẽ có khả năng giúp ông ta được phóng thích mau chóng. Điều đó bà có thể tìm thấy trên báo chí thời đó”.
Đến đây là kết thúc cuộc phỏng vấn, và ta có thể thấy rằng Souetre rất sẵn sàng cung cấp thông tin. (Sanguinetti – tên riêng là Alexandre – là cánh tay phải của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Roger Frey, người mà bạn đọc đã gặp trong chương 11 và 14. Frey là người chữa cháy cho DeGaulle, và Sanguinetti là kẻ được giao nhiệm vụ tiến hành chữa cháy. Hắn ta là sĩ quan liên lạc giữa SDECE và chính phủ, tương tự như một cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ). Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu rằng Souetre phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói: xem lại những cuộc phiêu lưu trong quá khứ của hắn thì ai mà lại không cẩn thận lời nói? Thí dụ, hắn không bao giờ nói với chúng ta rằng hắn tin Mertz là một trong những kẻ ám sát Kennedy; thay vì thế, hắn nói rằng hắn tin Mertz – một kẻ sát nhân – đã ở Dallas trong khi xảy ra vụ sát nhân lớn nhất trong lịch sử Mỹ, và Souetre cũng nói rằng Mertz dễ dàng biết trước những chuẩn bị cho vụ ám sát JFK thông qua những đầu mối trong thế giới ngầm. Souetre cũng rõ ràng rất thận trọng về những nguồn tin của mình, như ta thường thấy ở một con người có kinh nghiệm về hoạt động bí mật như hắn ta. Tương tự, chúng ta chỉ có thể hy vọng hắn ta bảo vệ được chính mình xét qua việc tên tuổi của hắn nằm trong hồ sơ 632-796 cạnh tên Mertz. Đó là lý do tại sao Souetre, thông qua những đường dây riêng của mình, đã thu được hồ sơ bắt giữ Mertz (xem phụ lục P) và lý lịch ông này. Hồ sơ bắt giữ chứng tỏ Mertz đã có hơn 30 năm vi phạm pháp luật, và hồ sơ này ghi chi tiết những chuỗi vi phạm dài: tấn công và đe dọa, trộm cắp, tàng trữ vũ khí trái phép, giết người, bỏ trốn để tránh bị truy tố, tham gia bạo loạn, làm giả giấy tờ, đe doạ sát hại cảnh sát, cùng rất nhiều án phạt tiền và phạt tù, chưa kể tới bản án năm năm về tội buôn bán bạch phiến sang Mỹ và Canada.
Sau cùng, điều hay nhất kế đó chúng ta tìm ra là một bức ảnh của chính Mertz. Mertz chết năm 1955, nên không thể có một bức ảnh ông ta – một anh hùng thời chiến – trong bất kỳ mục cáo phó nào sao? Còn những ảnh chụp trước khi ông ta chết thì sao? Hầu hết những anh hùng thời chiến đều được chụp hình vô số lần, nhưng…ĐỪNG NHÌN NHỮNG KẺ THÙ, HÃY NHÌN VÀO BÈ BẠN
Việc tìm kiếm rộng rãi nhiều văn khố Pháp cũng không tìm ra một ảnh chụp nào của nhân vật này.
Có thể là “những quyền lực cấp cao” đã thủ tiêu những ảnh chụp nhân vật này trong một nỗ lực che giấu sự thật. Làm việc cho tập đoàn bạch phiến quốc tế đầy thế lực của Antoine Guerini (với nguồn cung thuốc phiện đều đặn từ Ngô Đình Nhu) Mertz có động cơ và phương tiện, và có thể dễ dàng sử dụng những đầu mối quen biết trong Mật vụ Pháp để cải trang thành chiến sĩ OAS Jean Rene Souetre. Không hợp lý sao khi những quan chức Pháp nào đó, biết sự thực về Mertz, nên đã thủ tiêu mọi ảnh chụp ông ta?
Được rồi, không ảnh chụp, nhưng còn hồ sơ xử án ở Pháp thì sao? Chính ở đây Souetre đã chỉ cho Monique Lajournade đi đúng hướng để tìm thêm thông tin về Mertz.
Trong khi tìm những bài báo đầu thập niên 1970 có đề cập tới lần bắt giữ Mertz, Lajournade đã truy ra một số tên họ của những người trong ngành tư pháp Pháp, những người có thể giúp bà tìm hồ sơ tội phạm nào đó của Mertz. Như Souetre đã ám chỉ trong cuộc phỏng vấn, hầu như không có thông tin nào loại đó còn tiếp cận được tại các văn khố Pháp. Tuy nhiên, với nhiều công sức điều tra và một chút may mắn, bà đã tìm ra đúng cái thứ mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm: hồ sơ ghi chép về các hoạt động tội phạm của Mertz và nhất là việc buôn lậu bạch phiến của ông ta, tất cả trong dạng các hồ sơ toà án chuẩn bị cho vụ xử Mertz tại Paris (xem Phụ lục O-1 và O-2).Lần thẩm vấn trước toà này, diễn ra ngày 5.7.1971, đã chính thức kết án Mertz (cùng với các trùm bạch phiến khác trong đó có Achille Cecchini) là vi phạm Luật quốc gia về tội phạm liên quan đến ma tuý. Những cáo trạng và ý định truy tố này được đưa ra bởi Toà đại hình quận 16 (tương đương với một toà liên bang của Mỹ). Hồ sơ chính thức này chứng tỏ rõ ràng rằng những tác giả trước đây chỉ có thể kết tội theo những điều được nghe nói: rằng Michel (Michael) Victor Mertz là một tội phạm chuyên nghiệp từng buôn bán khối lượng lớn bạch phiến vào đất Mỹ và nhận thù lao từ những tay điều hành giới giang hồ Marseille. Cuối cùng, sau hơn một thập niên thu lợi nhuận khổng lồ từ việc buôn bán bạch phiến, Mertz đã bị bắt, qui án và kết tội. Hồ sơ toà án Pháp này chứng tỏ điều đó.
Lajournade đã tìm được thông tin quý giá trong chuyến điều tra tại Pháp. Trong khi đó, hai nhà nghiên cứu khác của đồng tác giả O’Leary là Tim McGinnis và Brett Ruhkamp, có lẽ đã làm được khám phá kỳ lạ nhất. Sau hơn một tháng hỏi thăm tài liệu ở Văn khố Quốc gia, và hầu như không gặp chút may mắn với DEA và các hồ sơ cũ của Cục Ma tuý Mỹ, cuối cùng, vào tháng 6.2000, họ được cấp phép để nghiên cứu một thùng hồ sơ. Một trong những hồ sơ đó là một báo cáo chi tiết của Bộ Tư pháp Mỹ gửi cho Sở Ma tuý Mỹ, và chủ đề của báo cáo là về những hoạt động bạch phiến của Pháp đầu thập niên 1960, một thời điểm khi sự dính líu của Mertz đang ở quy mô lớn nhất (xem Phụ lục Q để thấy tờ bìa báo cáo này). Bản báo cáo nêu chi tiết nguồn cung cấp thuốc phiện Lào từ Nam Việt Nam cho các lò bạch phiến Marseille, và nó đề cập rõ ràng đến tất cả đồng sự thế lực của Mertz (Francisci, Simonpieri, Venturi, Cecchini, anh em Guerini, v.v…)
Vậy mà tên của Mertz không hề được nhắc tới.
Hãy nhớ, báo cáo này được viết ra trong thời điểm khi các cơ quan bảo vệ pháp luật của Pháp và Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong cuộc chiến chống ma tuý. Hơn nữa, sự thông đồng của Mertz với tất cả những kẽ được đề cập trong báo cáo đã được xác minh bằng nhiều hồ sơ về phía Pháp.
Phải chăng có phần tử nào đó trong cơ quan công quyền Mỹ đã tẩy xoá mọi đề cập đến Mertz, có lẽ cũng chính là phần tử đã lo cho ông ta thoát khỏi Dallas, Texas, hai ngày sau khi JFK bị ám sát?
“Johnson đưa ra giả thuyết rằng ‘Kennedy có lẽ
đã bị giết để trả thù cho cái chết của Tổng thống Diệmcủa Nam Việt Nam, ba tuần trước đó’”(305) [(Nechiporenko)]
Nhờ những dữ kiện có trong 632-796, chúng ta biết chắc chắn rằng một ai đó (rất có thể là Mertz) đã được bí mật trục xuất khỏi Dallas, Texas, hai ngày sau khi JFK bị giết chết. (Người đó khó có thể là Souetre vì Souetre, nhiều năm sau, đã được giới thẩm quyền Mỹ thẩm vấn và chứng tỏ vô can). Nhưng điều quan trọng hơn từ quan điểm của một vụ “che dấu sự thật” không phải ở chuyện ai đã bị trục xuất mà là những tình huống chung quanh vụ trục xuất. Chắc chắn Uỷ ban Warren có một mối quan tâm đặc biệt đối với một sự cố như vậy nếu thực tế Uỷ ban Warren không dính líu vào âm mưu che giấu sự thật. Nhưng 37 năm lịch sữ đã chứng tỏ rằng Uỷ ban Warren hoàn toàn không trung thực chút nào. Ngoài ra, người ta có thể nghĩ rằng sự hiện diện của một kẻ bị tình nghi có liên quan với OAS tại Dallas ngay trong ngày Kennedy bị giết có thể gây một mức báo động nào đó cho Bộ Tư pháp Mỹ. Người ta sẽ nghĩ rằng những giới chức Bộ Tư pháp này sẽ lập tức bắt giữ ngay nhân vật đó, hay ít nhất cũng câu lưu để thẩm vấn. Hơn nữa, chúng ta có thể nghĩ rằng các giới chức đó sẽ báo cáo về sự hiện diện của nhân vật này cho những nơi cần thiết, trong đó có Uỷ ban Warrren, bộ phận được chính thức thành lập năm ngày sau đó thông qua Chỉ thị hành pháp 11130. Nhưng cả vụ trục xuất lẫn sự hiện diện của “Souetre” tại Dallas không hề được báo cáo với Uỷ ban. (Hoặc có thể đã được báo cáo, và bằng chứng quan trọng này đã bị Uỷ ban Warren gạt bỏ như họ đã gạt bỏ vô số thông tin và bằng chứng có thể mâu thuẫn với kết luận của họ vốn cho rằng JFK bị giết bởi một tay súng đơn lẻ tên là Lee Harvey Oswald).
Thay vào đó, Bộ Tư pháp mẫn cán của nước Mỹ thấy rằng nên bí mật tống khứ tay khủng bố này ra khỏi lãnh thổ, càng lặng lẽ và nhanh chóng càng tốt, và từ đó về sau họ chẳng bao giờ hé một lời về chuyện ấy.
Tại sao?
Họ hẳn đã có chỉ thị gói gọn toàn bộ sự vụ lại, đúng không? Và rốt cục Bộ Tư pháp Mỹ nhận những chỉ thị này từ đâu?
Từ văn phòng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ: Robert F. Kennedy.
Chúng ta biết rằng Robert Kennedy đã dùng quyền lực của Bộ Tư pháp để che dấu rất nhiều chuyện trong quãng đời sự nghiệp ngắn ngủi của ông ta, và tất cả những trò che giấu ấy đều trực tiếp liên quan đến ông anh tổng thống của mình. Chúng ta biết Robert che giấu việc lưu trữ những bức ảnh khám nghiệm tử thi và bộ não JFK vốn là bằng chứng cực kỳ quan trọng. Và chúng ta cũng biết rằng Robert đã quyết chí che giấu sự dính líu trực tiếp của hai anh em ông ta trong các kế hoạch lật đổ – và ám sát – Fidel Castro sau vụ Vịnh Con Heo(306) [(Tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia (qua Uỷ ban Rockefeller); Số lưu trữ 1781000210406; Hồ sơ CIA: ASSASSINATION MATERIALS MISC.ROCK/ CIA (2); Biên bản của Nhóm đặc vụ chiến dịch Mongoose, 4.10.1962; Posner, “Cracks in the Wall of Silence”)]. Tất cả để bảo vệ tên tuổi gia đình Kennedy, và nhất là tên tuổi John F. Kennedy. Và bây giờ có vẻ như quá rõ ràng chúng ta lại biết thêm một trò che giấu nữa của Robert. Xét về chuyện đưa một tay khủng bố chống Kennedy vào Dallas trong ngày xảy ra vụ ám sát và rồi cái chỉ thị kỳ quái cho trục xuất hắn ta ngay sau đó, thì một chỉ thị như thế có thể xuất phát từ đâu? Ai có được quyền lực để chỉ thị làm một việc hiển nhiên vi phạm qui tắc thi hành luật pháp như thế?
Chỉ có người ở vị trí trên cùng.
Để hậu thuẫn cho qui kết này, chúng ta biết rằng các viên chức INS đã nhận những chỉ thị ưu tiên hàng đầu từ Washington yêu cầu chặn bắt một công dân Pháp tại Dallas ngay sau vụ ám sát JFK(307) [(Hurt)]. Một chỉ thị kỳ lạ như thế sẽ xuất phát từ đâu? Ai ở trong Bộ tư pháp Mỹ có khả năng bảo đảm rằng một chỉ thị phi chính qui như thế sẽ được thi hành?
Có lẽ đó không phải cậu bé đưa thư rồi.
Cũng không kỳ lạ sao khi ngay sau đám tang Kennedy, tổng thống Pháp DeGaulle bắt đầu nói với báo chí cũng như các cố vấn rằng ông ta tin JFK bị giết do một âm mưu về phía Sở cảnh sát Dallas? Đúng vậy, và nó cũng được nói rõ ràng trong một hồ sơ FBI mà mãi đến 1993 mới được giải mật(308) [(Hồ sơ lưu trữ 180-10022-10291; Hồ sơ CIA 62-109060-5819; Tựa: “DeGaulle Viewed Death of JFK as a Conspiracy; 20.10.1967)].
Điều này có vẻ trái khoáy một cách kỳ lạ nếu không muốn nói là kỳ quái.
Trong những ngày kế tiếp sau một biến cố bi thảm làm chấn động thế giới, và khi hầu hết các nguyên thủ quốc gia đang ngỏ lời chia buồn với chính phủ và nhân dân Mỹ, thì Charles DeGaulle – một người bạn và đồng minh lâu năm – lại đóng một dấu bôi bác lên cái chết của Kennedy bằng việc tung ra lời đồn không cơ sở và đột ngột này.
Có vẻ như DeGaulle muốn mò tìm một phương cách để phân tán tư tưởng ngay trong giờ phút mà các bộ phận phân tích của Mỹ đang nỗ lực tập trung vào công tác khổng lồ nhằm điều tra cái chết của JFK. Rồi đột nhiên nguyên thủ của một trong những quốc gia đồng minh sâu sắc nhất lại tung ra một nhận định về cảnh sát Dallas?
Tại sao DeGaulle làm thế?
Hơn nữa, tại sao Robert Kennedy ra lệnh cho trục xuất một kẻ có khả năng ám sát anh ông ta, thay vì ra lệnh bắt giữ?
Hai sự kiện đó là những cú đánh hoàn toàn không thể tin được vào lý luận… trừ phi ta nghĩ tới một động cơ ngấm ngầm cực kỳ hữu lý, và chúng tôi cho rằng động cơ này có thể truy nguyên về tận Sài Gòn và dinh Tổng thống của Diệm.
Robert Kennedy yêu và ngưỡng mộ anh mình, nhưng sau 22.11.1963, JFK đã chết, chẳng có gì mang ông ấy trở lại cuộc sống được. Là Bộ trưởng Tư pháp, nhiệm vụ tối hậu của ông ta là bảo đảm an ninh tuyệt đối cho tổng thống thông qua Cục Mật vụ, và chúng ta đều thấy ông ta đã làm công việc của mình ra sao.SÀI GÒN
Sau vụ kém cỏi khủng khiếp này, và khi anh mình đã nằm trong lòng đất, Robert chẳng còn lại gì để bảo vệ ngoài thanh danh của ông anh mình trong lịch sử, thanh danh gia đình và những hy vọng chính trị tương lai của chính ông ta. Và đây là một công việc ông ta không được xử lý kém cỏi. Robert biết rằng một cuộc điều tra đại qui mô của liên bang về cái chết của JFK chắc chắn sẽ dẫn tới những sự kiện có thể phá hỏng di sản Kennedy. Điều tra sâu rộng hơn sẽ phát hiện rằng Sam Giancana đã thao túng vụ kiểm phiếu Illinois giúp JFK đắc cử tổng thống năm 1960.
Không, công chúng Mỹ sẽ không vui vẻ với thông tin này, họ cũng không hài lòng gì khi biết ra rằng Tổng thống Kennedy đã theo đuổi những âm mưu lật đổ và ám sát Fidel Castro trước vàsau vụ Vịnh Con Heo và hiện còn có nhiều kế hoạch khác trên bàn làm việc(309) [(Xem Phụ lục N)]. Và tương tự, nếu không muốn nói là hơn nữa, dân Mỹ sẽ nghĩ gì về tên tuổi nhà Kennedy nếu họ biết được rằng JFK đã phê chuẩn, cho phép, và tiếp tế cho một cuộc đảo chính đã đem tới cái chết cho Tổng thống Diệm ở Nam Việt Nam, một đồng minh của Mỹ? Một con người và một chính phủ mà John F. Kennedy đã công khai ủng hộ bằng tiền thuế và xương máu của nước Mỹ?
Thực vậy, nếu cử tri Mỹ giữa thập niên 1960 biết được rằng người mà họ đã bầu làm tổng thống đã một mặt tuyên bố chống lại mối đe doạ cộng sản bằng cách gửi mỗi năm nữa tỉ đô la tiền thuế (cùng với 15.000 lính) cho chính phủ Diệm nhưng mặt khác lại ủng hộ một âm mưu quân sự nhằm tiêu diệt Diệm, những cử tri Mỹ ấy có lẽ sẽ không bỏ phiếu cho Kennedy trong kỳ bầu cử năm 1964. Họ cũng không muốn bỏ phiếu cho Robert Kennedy năm 1968 nữa.
Robert Kennedy và bố của ông ta hẳn phải cực kỳ ngu dốt mới không biết điều này. Và với JFK đã nằm trong mộ, thì sự nhất trí hợp lý trong gia đình sẽ phải là Hãy chấm dứt những mất mát và giữ gìn lấy những gì ta còn lại.
Nên sẽ là hợp lý, phải không, nếu té ra Michael Mertz thực sự là kẻ được nhanh chóng và bí mật đưa ra khỏi Dallas? Không phải rất có thể rằng sau sự cố, Mật vụ Pháp nhận ra sơ suất to lớn của mình và đã thừa nhận với DeGaulle. Này, chúng ta gặp vấn đề lớn ở đây. Hoá ra một trong những tay đã giết Kennedy lại là dân buôn bán bạch phiến Marseille từng giúp chúng ta phá tung OAS và cứu mạng của ông đấy? Kịch bản này không giải thích được việc DeGaulle vội vàng đổ lỗi cho Sở cảnh sát Dallas một cách hết sức kỳ quái đó sao?
Để thông tin như thế này được công bố cho toàn thế giới – và nhất là cho nước Mỹ – vào năm 1963 hoặc 1964, phản ứng của công chúng sẽ rất tai hại. Nó sẽ không những tiêu diệt mọi nỗ lực chính trị xa hơn cho Robert Kennedy, mà nó còn tiêu diệt ý nghĩ của dân chúng về gia đình Kennedy nói chung và ký ức thần tượng về JFK nói riêng. Nó cũng sẽ tiêu huỷ các quan hệ ngoại giao, niềm tin và độ đáng tin cậy của Mỹ ở nước ngoài, và vĩnh viễn ghi dấu lên chính phủ Mỹ như một chính phủ không hề ngần ngại trong việc lật đổ và ám sát các nguyên thủ quốc gia không thuận theo những yêu cầu chính trị của Mỹ.
Và sự kiện tiên báo này đưa chúng ta tới luận điểm kế tiếp...
FBI, trong nhiều hồ sơ, đã đánh dấu bà Nhu và Chính phủ Nam Việt Nam là những tình nghi ám sát JFK(310) [(a) Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10054-10045, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 22.6.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”). Tài liệu này có nói tới những lá thư từ một người Đức có bí danh KG3 gửi cho FBI; các lá thư khẳng định rằng bà Nhu dự phần trong âm mưu giết JFK; (b) Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10052-10263, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 14.11.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”); đây là một trong vài tài liệu kể lại lời khai của thuỷ thủ chuyên nghiệp Eric Lintrop, người đã nhiều lần thông báo cho FBI rằng ông ta nghe được các sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ nói chuyện về việc bà Nhu dính líu đến vụ ám sát JFK; (c) Bản dịch của FBI ngày 6.12.1963 các lá thư nặc danh từ Hà Lan gửi cho FBI, trong đó người viết thư khẳng định rằng bà Nhu có dính líu đến vụ ám sát JFK (xem Phụ lục F, G và H)]
JFK và nhóm cố vấn trong bộ ngoại giao đã làm rất hoàn hảo việc che kín dấu vết của họ trong vụ xâm nhập Vịnh Con Heo và những kế hoạch sau đó của Nhà Trắng nhằm ám sát Castro, cũng như rất nhiều chuyện khác. Người ta phải thấy dân Mỹ đã bị Nhà Trắng nhồi nhét những lời dối trá hữu hiệu đến thế nào suốt bao thập niên qua. Hãy tập trung chú ý vào Cuba một chút để diễn đạt luận điểm của chúng tôi. Trong nhiều thập niên, các sách sử rõ ràng đã tạo ấn tượng rằng vụ xâm nhập Vịnh Con Heo là sản phẩm của tổng thống Eisenhower, và Tổng thống trẻ tuổi vị tha John F. Kennedy đã thừa kế cái kế hoạch xấu xa này do một thất bại không tránh được. Chúng ta được dạy bảo rằng Kennedy chẳng muốn dính dáng gì tới chuyện đó nhưng bị buộc phải chấp nhận chiến dịch này vì quá nhiều công phu dàn xếp của chính phủ đã đâu vào đó. Chúng ta được lý giải rằng Vịnh Con Heo là một cỗ máy đã chạy sẵn trước khi JFK đắc cử, và cái máy đó không thể tắt đi được, và chính John Kennedy là người phải nhận cái kế hoạch tai hại của Eisenhower/Nixon thuộc đảng Cộng hoà ngay ngưỡng cửa Nhà Trắng khi JFK nhậm chức tổng thống. Dĩ nhiên, qua thời gian, chúng ta biết được những điều ngược lại – và sách vở cũng như báo chí cho đến tận cuối năm 1998 vẫn tiếp tục lan tràn, chứng tỏ JFK đã dính líu sâu đậm thế nào trong vụ này.
Nhưng trở lại năm 1963 thì sao?
Dân Mỹ không biết chút xíu nào về việc Kennedy, ngay sau lễ nhậm chức, đã hăng hái ủng hộ một đề xuất nhằm lật đổ Castro, họ cũng không hề biết rằng Kennedy hăng hái cho phép CIA duy trì hoạt động chính trị và phá hoại chống Castro tại Cuba(311) [(Kornbluh, Peter (ed.), Bay of Pigs Declassified, (the New Press, New York, 1998)]. Người dân Mỹ không biết chút gì, rằng ngay cả sau khi thất bại trong vụ Vịnh Con Heo, chính phủ Kennedy đã sốt sắng kêu gọi lập thêm những kế hoạch lật đổ Cuba và dàn dựng những biến cố có thể hợp pháp hoá trước công chúng một cuộc xâm lược qui mô lớn của Mỹ(312) [(Tài liệu của Hội đồng an ninh quốc gia (qua Uỷ ban Rockefeller); số lưu trữ 1781000210406; Hồ sơ CIA: ASSASSINATION MATERIALS MISC.ROCK/ CIA (2); Biên bản của Nhóm đặc vụ chiến dịch Mongoose, 4.10.1962; Posner, “Cracks in the Wall of Silence”)], họ cũng không hề biết rằng chính phủ Kennedy đã đồng ý kế hoạch của CIA nhằm tuyển mộ những tay Mafia Mỹ như Sam Giancana và John Roselli để ám sát Castro(313) [(Tài liệu có tựa COMMISSION ON CIA ACTIVITIES WITHIN THE UNITED STATES; phỏng vấn đại tá CIA Sheffield Edwards (qua Uỷ ban Rockefeller); Hồ sơ lưu trữ 178-10002-10352; Hồ sơ CIA A-II (A) CHRON – ASSASSINATIONS, ngày 9.4.1975. Đây là một tài liệu li kì không chỉ chứng minh rằng CIA tuyển mộ dân Mafia để mưu ám sát Castro bằng thuốc độc mà còn chứng tỏ rằng Robert Kennedy đã biết rõ chiến dịch này, rằng ông ta đã không phản đối gì cảm và ông ta đã ra lệnh cho Đại tá Shieffield tường trình cho mình mọi kế hoạch ám sát Castro khác)]. Xem ra, Kennedy hình như có một chính sách và tư tưởng duy nhất một chiều đối với những chính phủ nước ngoài bất đồng với ông ta: giấu mặt lật đổ. Thứ nhất là Castro của Cuba, rồi Diệm ở Nam Việt Nam. Không, công chúng Mỹ năm 1963 không hề nghe nói về điều đó.
Một điều khác họ không hề – và chẳng bao giờ – được nghe nói tới, đó là 17 ngày sau khi JFK bị ám sát, FBI nhận được thư từ một nguồn tin vô danh ở Hà Lan trong đó khẳng định rằng bà Nhu và chính phủ Nam Việt Nam chịu trách nhiệm về vụ ám sát JFK(314) [(Bản dịch của FBI ngày 6.12.1963 cho lá thư nặc danh gửi FBI từ Hà Lan, trong đó người viết thư khẳng định rằng bà Nhu có dính líu đến vụ ám sát JFK (xem Phụ lục F-2)].
Rồi FBI nhận được thư của một thuỷ thủ chuyên nghiệp tên là Eric Lintrop khẳng định rằng ông ta đã chặn được một thông tin từ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng kẻ giết John F. Kennedy đã được thuê mướn bởi bà Nhu và chính phủ Nam Việt Nam(315) [(Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10052-10263, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 14.11.1966)].
Và còn nữa: FBI nhận được thư từ một người Đức tự xưng mình là KG3 khẳng định rằng kẻ giết JFK đã được chính phủ Nam Việt Nam thuê mướn(316) [(Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10054-10045, Hồ sơ CIA 62-109060-4257, 22.6.1966 (phiếu phân loại của hồ sơ, mục Chủ Đề, ghi “JFK, SUSPECT, MADAME NHU”). Tài liệu này có nói tới những lá thư từ một người Đức có bí danh KG3 gửi cho FBI; các lá thư khẳng định rằng bà Nhu dự phần trong âm mưu giết JFK)].
FBI đã điều tra kỹ lưỡng tất cả ba đầu mối này, tất cả ngay sau cái chết của JFK, nhưng không bao giờ công bố thông tin lạ lùng này.
Tại sao?
Stanley Karnow, nhà báo nổi tiếng và là phóng viên về Chiến tranh Việt Nam, cho chúng ta biết rằng các nhân viên phản gián của Nhu cài được dụng cụ nghe lén trong Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn(318) [(Karnow)]
Dựa trên sự kiện ngày nay đã sáng tỏ là Toà đại sứ Mỹ ở Sài Gòn đã bị nghe lén, chúng ta có thể kết luận rằng mọi cuộc đàm thoại giữa Đại sứ Lodge và đầu mối CIA Lucien Conein đều bị Nhu và những nhân viên phản gián nghe rõ từng lời. Lodge và Conein (cũng như Lodge và những người khác gắn liền với phái bộ ngoại giao Mỹ) rõ ràng đã thảo luận chuyện Nhà Trắng ủng hộ cuộc đảo chính trong khuôn viên toà đại sứ.
Điều này có nghĩa là bằng phép suy diễn đơn giản Nhu và Diệm đã biết được điều gì đang xảy đến với họ. Nên cũng hợp lý khi Nhu và Diệm đã có những biện pháp phòng vệ, chẳng hạn như tích trữ vũ khí và đạn dược ở những địa điểm bí mật. Nói rõ hơn, những con bọ nghe lén của Nhu trong toà đại sứ Mỹ đã làm sáng tỏ rằng Nhu và Diệm đã biết Kennedy đang cố làm cho họ bị lật đổ và thậm chí bị giết chết. Nhưng hãy tạm gác những con bọ nghe lén trong văn phòng của Lodge và hãy nói chuyện về hệ thống băng ghi âm trong chính Nhà Trắng của Kennedy. Chúng tôi đã nói chuyện 37 cuộn băng ghi âm những buổi họp giữa Kennedy và ban chỉ huy của ông ta tại Nhà Trắng và trong Phòng Nội các đã được công bố ngày 24.11.1998. Tại sao những cuộn băng ấy được bảo mật trong hơn ba thập niên là chuyện ta chỉ có thể suy đoán (hoặc, thực ra, đó cũng không phải điều ngạc nhiên vì hàng núi dữ liệu về JFK đã bị giữ ngoài tầm tay công chúng trong thời gian tương đương như vậy hoặc còn lâu hơn), nhưng các cuộn băng của Nhà Trắng từ 25.10.1963 đã ghi những thảo luận giữa Kennedy và giám đốc CIA John McCone. Ai chắc cũng biết McCone và phụ tá là William Colby đã tích cực thúc giục JFK cho ngưng vụ đảo chính lại. Đây là một lý do khác nữa. McCone có lý do để tin rằng tướng Paul Harkins (sĩ quan thâm niên tại Việt Nam) đã bí mật tiết lộ âm mưu đảo chính cho Diệm biết! “Nói cách khác, Diệm có bằng chứng rằng Kennedy đang âm mưu lật đổ mình”(319) [(Hughes, Ken, “The Table of the Tapes: JFK and the Fall of Diem; Three Weeks Before His Own Assassination, President Kennedy Launched a Coverup in the Assassination of the President of South Vietnam”, The Boston Globe, 24.10.1999)]. Ai cũng biết rằng Harkins xem Diệm như bạn thân, và ai cũng biết rằng Harkins rất chống đối kế hoạch lật đổ. Và bây giờ chỉ huy CIA (người tiếp cận được những nguồn tin tình báo rộng rãi và chính xác nhất trên thế giới) hàm ý ông ta có lý do để tin rằng Harkins, vô tình hay hữu ý, đã cho Diệm hay sắp có một cuộc đảo chính, phải nói rằng khó mà phủ nhận độ đáng tin cậy của nguồn tin này.
Thông tin này chỉ gia tăng bằng chứng rằng Nhu và Diệm đã biết trước Kennedy đang mưu lật đổ mình. Họ biết rằng đã có hợp đồng để mua đứt mạng sống của họ.
Giả sử, nếu bạn biết một ai đó đang mưu giết bạn… bạn sẽ làm gì? Nhắm mắt lại và cầu cho nó qua đi chăng? Báo “cảnh sát” cho dù bạn biết trước “cảnh sát” là bất lực?
Trong trường hợp này, đa số người ta sẽ tìm cách ra tay trước. Giết kẻ thù trước khi kẻ thù kịp giết mình.
Đó là bản năng sinh tồn căn bản, một phản ứng của con người từ khi giống người xuất hiện trên đời. Sống sót chống lại kẻ áp bức mình. Xu hướng căn bản và sơ khai nhất..
Nhưng chúng ta biết có một điều không bao giờ bị tiết lộ trong Toà đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, đó là ngày giờ đích xác nổ ra đảo chính. Các tướng lĩnh nổi loạn không bao giờ cho chúng ta biết đích xác lúc nào vụ đảo chính nổ ra. Chúng ta cũng biết rằng một số ngày giờ tiến hành đã bị đình hoãn lại – điều đó hẳn Nhu và Diệm đã biết nhờ những con bọ nghe lén. Hơn nữa, chúng ta biết rằng Diệm, vào ngày 1.11.1963, đã gặp Lodge lúc 10 giờ sáng và có đề cập đến tin đồn về một cuộc đảo chính nhưng rồi đã mau chóng gạt qua một bên (rõ ràng đã quá tin vào khả năng của Nhu trong việc hạ gục những kẻ chống đối). Diệm thậm chí còn hẹn sớm gặp lại Lodge và thu xếp những bất đồng giữa họ với nhau(320) [(Karnow)]. Lodge chỉ gật đầu cho qua chuyện. Nhưng ta có thể thấy rõ những gì đang xảy ra ở đây. Lodge đã xoa dịu Diệm vì ông ta biết rằng Diệm sẽ sớm bị lật đổ, và Diệm xoa dịu Lodge vì ông ta biết rằng Kennedy sẽ sớm bị hạ sát.Vấn đề duy nhất ở đây là vụ đảo chính đã xảy ra sớm hơn Diệm tính toán. Chúng ta đồng ý rằng Diệm và Nhu (cùng với đồng mưu ở Marseille và Mafia Mỹ) đã có kế hoạch ám sát John F. Kennedy. Nhưng Diệm và Nhu đã bị ám sát trước khi kế hoạch của họ được tiến hành.
Làm sao mà Diệm và Nhu không biết được rằng kế hoạch tiêu diệt họ đã sẵn sàng đâu vào đó? Với những con bọ nghe lén trong toà đại sứ Mỹ? Và với 100.000 nhân viên tình báo của Nhu? Cho rằng tất cả những người này không biết thì sẽ là phi lý. Không ai ngốc đến thế, mà Nhu và Diệm là những con người rất khôn ngoan. Họ đã khôn ngoan hơn hẳn các kẻ thù suốt trong chín năm nắm quyền, đương đầu với rất nhiều vận xui, và đã sống sót trên vị trí quyền lực. Họ ăn chắc rằng lần này họ cũng sẽ làm được như vậy. Nhưng họ đã tính sai.Sự dính líu của Nam Việt Nam trong vụ ám sát Kennedy thực sự được định hình đáng tin hơn so với sự dính líu của Liên Xô (điều này đã bị chứng tỏ là sai), so với trường hợp một mình Oswald đơn lẻ (điều này cũng bị chứng tỏ là sai) và so với sự dính líu của cái gọi là tập đoàn quân sự – công nghiệp vì họ muốn làm một số triệu phú được giàu hơn bằng cách leo thang cuộc chiến với chính phủ Johnson.
Khả năng một vụ lật đổ Diệm thì một ngàn lần đe doạ đối với một số quyền lực hơn mối đe doạ của chuyện Kennedy can thiệp vào những khoản trợ cấp và lợi nhuận đối với một số công ty như Bell Helicopter và General Dynamics. Đơn giản là chúng tôi không tin rằng Kennedy bị giết bởi một số nhà công nghiệp hay trùm dầu hoả Texas. Chúng tôi không tin rằng Kennedy bị giết bởi CIA vì CIA tức giận ông ta sau thất bại trong vụ Vịnh Con Heo. Và chúng tôi không tin rằng một tên điên lẻ loi như Lee Harvey Oswald lại có thể thực hiện vụ ám sát gay go nhất trong lịch sử với một khẩu súng trường cổ lỗ và thiếu chính xác.
Thay vì thế, chúng tôi tin rằng vụ ám sát JFK là một âm mưu đã được tính toán trước giữa Mafia Mỹ, giang hồ Marseille và cấp cầm quyền cao nhất của chính phủ Nam Việt Nam.
AI ĐÃ GIẾT DIỆM VÀ JFK?(Còn tiếp)
“Ông ta {JFK} đã giết Diệm, và rồichính ông ta cũng lĩnh chuyện đó”- TỔNG THỐNG LYNDON JOHNSON
Vậy chúng ta có cái gì? Chúng ta có bằng chứng rằng chính phủ JFK đã ủng hộ cuộc đảo chính lật đổ Diệm ở Nam Việt Nam trong một nỗ lực mà họ đã công phu cực khổ để giấu nhẹm không cho công chúng Mỹ biết. Kennedy và ban chỉ huy của ông ta đã làm hết sức để hỗ trợ việc giết hại những lãnh đạo của một nước đồng minh. Thuần tuý, đơn giản, và đã được chứng tỏ.
Chúng ta có bằng chứng rằng Diệm và Nhu đã biết trước âm mưu của Kennedy chống lại họ, và thêm những bằng chứng cho thấy cái chết của Diệm và Nhu có khả năng tiêu diệt tập đoàn bạch phiến quốc tế.
Kế đó, chúng ta có ba khảo sát các hồ sơ còn bảo mật của FBI nêu đích danh bà Nhu và chính phủ Nam Việt Nam là những kẻ tình nghi trong vụ ám sát JFK.
Chúng ta có bà Nhu công khai tuyên bố với tờ New York Times:
“…nếu quả tình gia đình tôi đã bị hạ sát một cách phản trắc với sự đồng tình chính thức hoặc không chính thức của chính phủ Mỹ, tôi có thể nói trước với tất cả quí vị rằng câu chuyện tại Việt Nam mới chỉ là màn mở đầu”.
Hơn nữa, còn có một sự kiện ít được biết tới nhưng vẫn là một sự kiện. Các bạn có biết rằng người kế nhiệm JFK, Lyndon Baines Johnson, đã nhiều lần khẳng định rằng những người Nam Việt Nam đã tham gia vào âm mưu giết hại Kennedy không? Một nguồn thông tin là từ chính miệng Phó tổng thống của Johnson, Hubert Humphrey. Humphrey kể với chúng ta trong tự truyện của ông rằng Tổng thống Johnson có nói: “Chúng ta có nhúng tay vào việc giết ông ấy {Diệm}. Bây giờ chuyện đó xảy ra ở đây”(321) [(Humphrey, Hubert H., The Education of a Public Man (University of Minesota Press, 1991)].
Chúng ta cũng có rất nhiều tác phẩm đã xuất bản nói những điều tương tự: rằng Tổng thống Johnson nghi ngờ Diệm và Nhu – trục quyền lực chính trị của chính phủ Nam Việt Nam năm 1963 – có can dự trực tiếp vào vụ ám sát Kennedy(322, 323, 324, 325) [(Nechiporenko;;; Power, Thomas, The Man Who Kept Secrets: Richard Helms and the CIA (Alfred A. Knopf, 1979);;; Shesal, Jeff, Mutual Contempt (Norton, 1997);;; Summers, Anthony, Conspiracy (Paragon House, 1989)]. Gần đây hơn, trong tác phẩm Sons and Brothers (“Các con trai và anh em trai”) in năm 1999, học giả giữ Thư viện Kennedy Richard D. Mahoney tiết lộ rằng Johnson đã nói điều tương tự – nhưng còn cụ thể hơn – với phụ tá của JFK là Ralph Dungan vài ngày sau khi chôn cất JFK. Johnson kéo Dungan vào Phòng Bầu dục và nói: “Tôi muốn nói cho ông nghe tại sao Kennedy chết. Trừng phạt của thần thánh thôi. Ông ta đã giết Diệm, và rồi chính ông ta cũng liõnh chuyện đo”(326) [(Mahoney, Richard D., Son’s & Brothers (Arcade, 1999)].
Để tóm gọn lại, ta có một cái nhìn khái quát về xúc cảm này, từ cuốn The Assassination of John F. Kennedy (“Vụ ám sát John F. Kennedy”) của James P. Duffy và Vincent L. Ricci:
“Trong những năm ở Nhà Trắng, Johnson được ghi nhận là đã nhiều lần bày tỏ ý kiến rằng trách nhiệm cho vụ ám sát là thuộc về… những người ủng hộ Tổng thống Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam…”(327) [(Duffy)].
Hãy thêm vào điều này: chúng tôi đã trình bày tài liệu cho thấy KGB của Liên Xô đã lập tức được Khruschev chỉ thị phải tiến hành điều tra riêng về chuyện ai đã giết John F. Kennedy(328) [(Tài liệu FBI – Số lưu trữ 124-10144-10086, Hồ sơ CIA 52-109060-4321, 1.12.1966, giải mật ngày 15.8.1995)].
Vụ ám sát Ngô Đình Diệm và J.F.Kennedy ( 1,2,3,4,5,6,7,8,9)
Phải khẳng định rằng, chỉ có những người ở phương tây nhưng phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và chính quyền Ngô Đình Diệm mới ám sát Ngô Đình Diệm và J.F.Kennedy
Trả lờiXóaGieo gió thì phải gặt bão thôi
Trả lờiXóa