11 thg 11, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ 6

 Phạm Lệnh Công chở che Xương Ngập, Xương Văn phế Tam Kha đón anh về.

Lại nói chuyện Ngô Xương Ngập, sau khi trốn khỏi thành Cổ Loa, cùng người của của mình tìm đến nương chổ Phạm Lệnh Công ở Đăng Châu. Phạm Lệnh Công, tên úy là Phạm Chiêm, là con của Phạm Chí Dũng, Hồng châu tướng quân dưới thời Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo. Khi Công Tiễn hại Dương Đình Nghệ cầu viện Nam Hán, ông cho con mình là Phạm Bạch Hổ đến tương trợ Ngô Quyền, phần ông về sau nhận được thư của Ngô Quyền tự mình đưa quân về phía đông bắc dựa vào núi non bày thế phòng phủ ngăn không cho Lưu Cung đưa quân tiếp viện. Ngô Quyền lên ngôi phong cho Pham Lệnh Công làm Đông Giáp tướng quân, Phạm Lệnh Công đối với Ngô Vương một mực trung thành, nay thấy Tam Kha phế nhà Ngô lại truy đuổi con đích của vua liền tận sức che chở. 

Tam Kha sai Đỗ Cảnh Thạc đuổi bắt Xương Ngập, Thạc mới đầu chẳng nghe, sau chẳng muốn rước phiền bèn miễn cưỡng mang quân đi. Phạm Lệnh Công biết Thạc mang quân đến đòi Xường Ngập liền sai con cả là Phạm Man dẫn Xương Ngập vào động núi Hun Sơn Đào ẩn náu, còn mình bày bin đón Thạc. 

Thạc đến, Phạm Lệnh Công tế ngựa ra nói: 

- Chỉ huy sứ đến thăm ta sao lại mang nhiều quân như thế ?

- Tôi theo lệnh vua đi bắt Xương Ngập, biết Ngập náu ở đây nên đến đòi. -Thạc trả lời-

- Dám hỏi, vua ấy là vua nào? Xương Ngập lại là ai ?

Thạc biết ý, cả thẹn không trả lời. Bấy giờ Phạm Lệnh Công mới đưa tay ra hiệu, nhất tề quân lính 2 bên vách núi đứng lên đông như cây rừng, Phạm Lệnh Công ôn tồn nói :

- Chỉ huy sứ có biết cách bày binh này có từ đâu không ?

- Tôi kiến thức hạn hẹp, mong Đông Giáp tướng quân chỉ cho chổ hay.

- Ngày trước, Lưu Cung đem quân sát biên giới chờ tiếp viện con, Ngô Vương gửi thư cho ta bảo ta đem quân đến cự, lại chỉ cho ta các bày binh này. Trận ấy hệ trọng lắm, Lưu Cung đem quân vào được, đại quân ta rơi vào thế gọng kìm tất bại, Ngô Vương bảo ta kén những người dũng cảm, cho đóng trên trên vách núi, hễ thấy giặc tiến vào thì nhất tề lao xuống, dùng giáo mà đâm, quân lao từ trên núi xuống thì chạy rất nhanh chẳng thể dừng càng chẳng thể lui, ấy là tinh thần cảm tử. Nay những tráng sỹ trên núi kia chính là những người ta đã kén năm xưa vậy.

Cảnh Thạc nghe thế biết chẳng thắng đặng bèn cho rút quân. Một thời gian sau, Dương Tam Kha lại sai Thạc đến đòi Xương Ngập, Thạc điểm 5 ngàn quân đi. Thạc đến, Phạm Lệnh Công lại tế ngựa đến hỏi:

- Chỉ huy sứ lại đến, ta lần trước đã nói cùng ông chổ học được từ Ngô Vương, lần này chắc ông sẽ vì ta mà nói chuyện năm xưa cùng Ngô Vương đánh giặc ở Bạch Đằng.

Thạc lúc này mới nhớ lại hào khí năm xưa:

- Tôi khi đó nghe lệnh Ngô Vương cùng với Xương Ngập phục bên hữu ngạn chờ giặc, năm ấy trời rét đậm, đêm chờ giặc quân sỹ lạnh cóng hết cả, lúc đó Ngô Vương cho người mang áo choàng bằng vỏ cây tới, tự tay Người khoác áo cho binh sỹ, lại dạy tôi: "ta nói 2 ngày nữa địch tiến vào, nhưng có thể chúng cẩn thận mà neo ngoài cửa sông mấy ngày mới vào, quân mai phục trọng nhất là tính kiên nhẫn, muốn kiên nhẫn phải có chí, làm tướng khi ấy phải chịu khó khổ cùng thì chí quân sỹ mới bền". 

- Thế ông bày binh ra sao? 

- Ngô Vương dạy, mỗi cánh tả hữu kén lấy những người khỏe mạnh nhất cho dàn hàng phía trước đội cung tên, ây là để phong khi giặc có thể dùng thuyền nhỏ mà kịp đổ bộ lên bờ, khi ấy dùng tên bắn ra cho địch phân tâm sau dùng khiên, giáo vừa cản vừa đâm. Những tráng sỹ năm ấy, hôm nay tôi cũng mang theo, chắc phá được thế của Phạm tướng quân. 

- Hôm nay ta chỉ một mình đến đón Thạc tướng quân, xác ta có thể bước qua, nhưng Xương Ngập thì tuyệt không thể giao cho ngài.

- Cớ gì tận sức che chở cho Xương Ngập làm vậy ?

- Thạc tướng hỏi thế, ta hỏi lại, xưa ông theo Ngô Vương đánh giặc, được chỉ điểm những chổ hay, sau lại được phong làm chỉ huy sứ, Ngô Vương đối với ông trước sau chẳng bạc, lại nói xưa ông cùng Xương Ngập  con đích của Ngô Vương chờ giặc, nay lại đem quân ráo bắt, ấy là cớ làm sao?

Cảnh Thạc nghe thế, trần tình:

- Thực bụng, tôi đến chỉ là miễn cưỡng, Tam Kha giờ là vua, tuy chẳng phục, nhưng cũng chẳng thể trái lời.

Nói rồi lại cho rút quân về.

***

Lưu Cơ từ sau khi nhận lệnh của Bộ Lĩnh, cùng 5 người nữa tức tốc đến Cổ Loa, đến nơi liên cho dò la, biết được phủ của Xương Văn nằm ở phía Đông thành. Một đêm Cơ cho người tạo hỏa hoạn ở đằng Tây, còn mình mặc phục của kẻ hầu trong cung tìm gặp Xương Văn. Xương Văn đang chuẩn bị đi ngủ, bất ngờ có người lạ mặt vào phòng, liền hỏi gấp: 

- Người là ai, trong số kẻ hầu ta chưa từng gặp ngươi.

- Tôi là ai không quan trọng, có thư này muốn gửi cho ngài, chuyện hệ trọng chớ để lộ - Cơ đáp, đáp xong cũng đi luôn-

Xương Văn dở thư ra đọc, thư viết: 

- Cha ta là Đinh Công Trứ xưa theo cha ngươi là Ngô Vương đánh giặc, cùng chia nỗi lo vận nước, nay ta lại viết thư này mà giải mối lo trong lòng ngươi. Dương Tam Kha phế anh ngươi, nhận ngươi làm con, ta thấy cả ngươi cùng các tướng đều cùng một lòng chẳng phục, lạ rằng ngươi có danh, các tướng có sức sao bấy nay lại chịu ngồi yên ? Nay, Dương Tam Kha sai Chỉ huy sứ Cảnh Thạc đi bắt anh ngươi mấy lần chẳng được, chứng tỏ Cảnh Thạc chẳng có bụng hại con đích tiên vương. Ngươi nên nhân lý ấy, vờ xin Tam Kha theo Cảnh Thạc đi bắt Xương Ngập, ra ngoài thành lấy lời thật dạ mà ngỏ cùng Cảnh Thạc, ông ta sẽ chịu giúp. Vài lời từ Bộ Lĩnh, xem xong thì đốt. 

Xương Văn đọc xong toát mô hôi hột, vội vàng đốt thư đi, cả đêm đó trằn trọc không ngủ được. Sáng ra đến gặp Dương Hậu, nhắc đến Xương Ngập, Dương Hậu khóc ròng, Ngập tuy chẳng phải con Dương Hậu nhưng cả hai bà thương đều đồng như nhau, hết khóc lại van Văn cứu anh về, Văn không cam nhẫn, hạ quyết tâm theo kế của Bộ Lĩnh mà làm. 

Hôm sau thiết triều, Xương Văn xin với Dương Tam Kha được cùng Cảnh Thạc đưa quân tới Đăng Châu, Kha nghe thế mừng trong dạ liền bằng lòng ngày. 

Chẳng lâu sau, Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Xương Văn điểm binh kéo đến Đăng Châu, ra đến ngoài thành, Xương Văn đứng trước mắt hai tướng rõ nước mắt mà rằng: 

- Trạch đức của tiên vương ta thấm khắp thiên hạ, các chính lệnh thi hành không ai là không vui vẻ tuân theo cả. Chẳng may tiên vương ta mất đi. Bây giờ Bình Vương là kẻ bất nghĩa, tự cướp lấy ngôi, tội nào hơn nữa ! Nay hết sai các ngươi đi đánh các ấp, thôn vô tội, lại sai đi bắt con đích của tiên vương, các ngươi làm sao mà phục?

Bọn Cảnh Thạc, Cát Lợi được lời ấy, liền xin tuân theo Xương Văn. Văn lệnh hai tướng kéo quân về đóng lại trước thành. Lúc đó có quân báo tin hơn năm ngàn quân khác cũng đang đóng ở gần Cổ Loa, Xương Văn thất kinh, tưởng Tam Kha biết kế của mình, liền sai Cảnh Thạc ra xem. Thạc cùng 200 người tế ngựa đến, trông ra thì là quân của Phạm Bạch Hổ.

Phạm Bạch Hổ từ khi Tam Kha làm chuyện bất đạo, ở yên chổ của mình, chẳng nghe lệnh Bình Vương, tính Hổ lại thích võ nghệ nên chỉ ngày ngày cùng quân sỹ luyện tập. Có hôm, Hổ mở võ đài, nói với quân sỹ ai thắng được Hổ thì trọng thưởng, mấy chục tên lính lần lượt thượng đài rồi lần lượt bị Hổ ném xuống, lúc ấy có một người thân hình vạm vỡ, gương mặt cương nghị, mặc đồ thường dân, đầu chít khăn lên đấu với Hổ. Hai người quần với nhau mãi, cho đến khi cả hai mệt phờ mà chẳng ai dành được thế thượng phong. Tuy thế Hổ phục lắm bèn hỏi người đó là ai từ đâu đến, người ấy thưa:

- Tôi là Nguyễn Bặc, người xứ Trường Yên, là quân dưới trướng Đinh Bộ Lĩnh.

Phạm Bạch Hổ nghe đến tên Đinh Bộ Lĩnh thì mừng lắm, buột miệng :

- Chẳng trách, chẳng trách !

Hổ thiết đãi Nguyễn Bặc rất hậu, xong tiệc mời vào trướng chia chủ khách mà ngồi rồi hỏi: 

- Ngươi từ Trường Yên ra đây chắc chẳng phải chỉ để thử sức ta, Bộ Lĩnh có lời nào muốn nhắn ta chăng?

- Quả có thế, chủ tướng tôi vốn yêu kính Ngô Vương như cha, từ khi Tam Kha giành lấy nghiệp nhà Ngô thì ăn ngủ chẳng yên, Kha lại chẳng biết đạo làm vua, dân các nơi đều oán, mấy hôm trước chủ tướng tôi sai tôi ra cốt hỏi xem dạ Phạm tướng thế nào ?

- Ta xưa nay không quen nói lời dối, Tam Kha là đồ bất nghĩa, ta muốn trị tội hắn, chỉ hiềm dân nước mới yên động binh chẳng đặng.

- Được lời ấy của Phạm tướng quân thì coi như mọi sự đã thành 1 nửa rồi. 

Nguyễn Bặc đem hết kế của Bộ Lĩnh nói rõ cho Bạch Hổ nghe, nghe xong Hổ vỗ đùi mà rằng: 

- Ngoài Ngô Vương, chỉ còn Bộ Lĩnh đáng cho ta theo thôi. Ngươi về nói lại với chủ tướng ngươi, y hẹn ta sẽ đưa quân về đóng ở gần thành trợ thế cho Xương Văn.   

Nguyễn Bặc bái tạ rồi về Cổ Loa hội với Lưu Cơ mà chưa về thẳng Trường Yên.

Phạm Bạch Hổ ở lại nhanh chóng điểm binh rồi cũng kéo về đóng ở gần thành, bỗng đâu có tướng dẫn khoảng hai trăm quân tế ngựa đi tới, tướng ấy chính là Cảnh Thạc, Hổ mời Thạc vào trại, cười nói :

- Ông cùng Xương Văn đã đóng quân ở phía Đông rồi chứ?

- Sao ông biết ? -Thạc bị bất ngờ, liền hỏi lại-

- Sao ta lại chẳng biết chứ ! Ông về nói với Xương Văn, để ông và đại quân đóng lại ngoài thành, còn Xương Văn dẫn theo 100 người về thành, trong thành Tam Kha đang đợi nhường ngôi.

Thạc đem lời ấy về nói lời ấy nói với Văn, Văn nghe theo, đem theo 100 người tế ngựa về thành.

Lại nói Tam Kha khi ấy đứng trong thành trông ra, thấy hai đạo quân lớn biết là của Bạch Hổ và Cảnh Thạc, lại thấy Xương Văn từ trong ấy đi ra, đoán có biến xảy ra, Kha lật đật chạy vào chính điện, đứng ngay ở cổng. Văn dẫn quân về tới, Kha cho người dàn hàng hai đón Văn, Văn chưa hết lạ thì Kha nói: 

- Ta trước thấy anh con kém tài, con lại còn nhỏ nên mới tạm làm vua, nay cũng đã đến lúc trả lại ngôi ấy cho họ Ngô. 

Năm 950, Ngô Xương Văn phế Dương Bình Vương, lên làm vua, lấy hiệu là Nam Tấn Vương, giáng Dương Tam Kha xuống làm Chương Dương Công sai đi giữ đất Hoan Châu. Nam Tấn Vương lập Dương Hậu làm thái hậu, sai người đến Đăng Châu đón Xương Ngập về, được sự chấp nhận của Dương thái hậu, Xương Ngập cũng lên làm vua xưng là Thiên Sách Vương. Khi ấy trong nước có hai vua, đời sau gọi là Hậu Ngô Vương.

Bọn Nguyễn Bặc, Lưu Cơ thấy tình hình tạm ổn, khi ấy mới kéo nhau về Trường Yên, đem mọi chuyện kể cho Bộ Lĩnh, nghe xong không những không vui mà còn thở dài ảo não. Các tướng thấy thế liền hỏi :

- Nay ngôi đã về đúng chủ, sao chủ tướng còn ưu phiền như vậy ?

Lĩnh đáp:

- Tam Kha bất nghĩa vô đạo, đáng tội chết, chẳng những được sống mà còn cho giữ Hoan Châu ấy chẳng phải lầm to sao ? Lại nữa, một nước hai vua, lòng người biết thuận vào đâu ? Ta xem tuy ngôi về đúng chủ, nước được yên nhưng chẳng thể thịnh, vua lại có ngôi nhưng chẳng xứng làm vua, dân được an nhưng chẳng được nhờ, nghĩ thế mà phiền. 

Đúng lúc ấy có người của triều đình đem lệnh vua đến. 

***


2 nhận xét:

  1. Những cách ứng xử khôn khéo như vậy sẽ đạt được mục đích mà không tốn một viên đạn nào

    Trả lờiXóa