11 thg 11, 2013

Loạn Thế Lộ Chân Long, hồi thứ nhất.

Lời mở:

Lâu nay, chúng ta biết rằng việc "kể chuyện lịch sử" của Việt Nam ta có quá ít hình thức, tất cả hầu như xoay quanh những tóm tắt sự kiện một cách khô khan trong sách giáo khoa, nhìn qua các nước, chúng ta đều tự hỏi : sao Việt Nam mình không làm như thế, không làm được như thế ?

Đó cũng là trăn trở của bản thân tôi, muốn làm một điều gì đó để khỏa lấp khoảng trống ấy, sự thiếu hụt ấy, nhưng vì khả năng hạn hẹp nên đó chỉ là những trăn trở trong vô vọng. Vừa rồi, có người bạn, nhân vì đọc được một số mẫu chuyện mang phong cách kiếm hiệp của tôi mà gợi ý về chuyện viết về lịch sử Việt Nam. Đó thực sự là ánh đuốc cuối đường hầm, tôi suy nghĩ thật nhiều về nó và quyết định nghiên cứu và chấp bút.

Cũng chưa biết những gì tôi viết ra đây có thành "tiểu thuyết" được hay không, nhưng xin phép được tạm gọi như vậy. Sau khi nghiên cứu, tôi thấy giai đoạn lịch sử từ thời Ngô Quyền đến Đinh Tiên Hoàng là cả một quá trình đầy biến động, với một chuỗi sự kiện và một hệ thống nhân vật lịch sử đồ sộ, nếu không làm cho nó trở nên sống động, rõ nét hơn thì quả là một thiếu sót trong việc "kể chuyện lịch sử" vậy.

Tiểu thuyết với tên "Loạn Thế Lộ Chân Long" kể về thời kỳ lịch sử từ lúc Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán đến khi Đinh Tiên Hoàng xưng đế, với nhân vật chính là Đinh Bộ Lĩnh. Chúng ta biết xưng "Đế" dễ, làm "Đế" khó, theo quan điểm của riêng tôi, Đinh Bộ Lĩnh là người đầu tiên vừa xưng Đế và làm Đế ở Việt Nam, vì vậy mà nói "Lộ Chân Long".

Vì là tiểu thuyết nên sẽ có chổ chưa đúng với sự thật lịch sử, hoặc có những góc khuất lịch sử được giả thuyết hóa, hoặc có những chổ rút gọn, hoặc có những chổ thêm thắt, điều đó thật khó tránh khỏi, vì vậy mong nhận được sự phê bình xuất phát đúng quan điểm.

Trân Trọng. !

---------------------------------------------------------------------------------------

LOẠN THẾ LỘ CHÂN LONG

Hồi thứ nhất : Công Tiễn hành thích Tiết Độ Sứ. Ngô Quyền bàn mưu đánh giặc.

Đầu thế kỷ thứ 10, nhà Đường suy vong, quan quân các nơi nổi lên cát cứ lập quốc, đời sau gọi là Thập Quốc, nước ta khi ấy là Tĩnh Hải quân, anh hùng hào kiệt đất Việt nhân lúc Trung Quốc rối ren mà đứng lên giành quyền tự chủ.

Lợi dụng sự trống chỗ của Tiết độ sứ cai quản an toàn An nam, Khúc Thừa Dụ đã nổi dậy và tự xưng Tiết độ sứ năm 905, họ Khúc truyền được 3 đời. Năm 930 -931, hào trưởng ở Ái Châu, tướng cũ của họ Khúc là Dương Đình Nghệ diệt tướng Nam Hán, lại xưng Tiết độ sứ.

Dưới trướng Dương Đình Nghệ có các tướng Ngô Quyền, Đinh Công Trứ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền vốn là con rể của Dương Đình Nghệ, được phong làm hào trưởng đất Ái Châu, Đinh Công Trứ làm hào trưởng đất Hoan Châu, Kiều Công Tiễn làm hào trưởng đất Phong Châu.

Năm 937, hào trưởng Phong Châu Kiều Công Tiễn thích sát Dương Đình Nghệ, tự xưng Tiết Độ Sứ, biến cố này mở ra một chương mới đầy biến động của lịch sử nước ta.

***

Lúc ấy, Ngô Quyền đang cùng các bộ tướng nghị sự ở trong phủ, bỗng đâu có lính phi ngựa về báo hung tin Tĩnh Hải quân Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Ngô Quyền nghe tin ấy rụng rời chân tay, ngồi phục xuống ghế không nói không rằng, Ngô phu nhân tựa vách tường ngất xỉu, Ngô Quyền phất tay ý bảo Xương Ngập bế mẹ vào trong.

Lúc Xương Ngập trở ra chính điện, không khí nặng nề vẫn chưa giảm bớt thậm chí còn pha thêm rất nhiều nộ khí, Ngô Quyền vẫn ngồi như pho tượng, chân mày rậm rạp nhíu lại, 2 mắt đỏ sọc, môi bậm chặt, chùm râu cằm nhọn hoắt vểnh lên, hai vai rộng gồng căng cứng. Xương Ngập chưa biết nói gì để an ủi cha thì lại có lính vào báo :

- Bẩm tướng quân, có hào trưởng Hoan Châu Đinh Công Trứ và các tướng Dương Tam Kha, Kiều Công Hãn về hội quân đang đứng ngoài chờ gặp tướng quân.

- Cho mời vào ! - Ngô Quyền cất tiếng, đưa tay vuốt mặt rồi chỉnh lại thế ngồi.

Ba người ấy cùng vào, vừa thấy Ngô Quyền, Dương Tam Kha đã quỳ xuống khóc lóc thảm thiết mà rằng:

- Cha ta xưa nay không bạc đãi họ Kiều, nay bị Kiều Công Tiễn hãm hại, ta không cam tâm, anh rể, tướng quân, người phải giúp ta báo thù, chủ trì công đạo.

- Thù này sao có thể bỏ qua, em mau đứng dậy ! - Ngô Quyền nói xong liên đưa mắt nhìn Đinh Công Trứ, Công Trứ bước lên nói :

- Sau khi Công Tiễn làm việc vô đạo, con hắn là Kiều Chuẩn không phục nên kéo về Phong Châu, ta cũng từ Hoan Châu ra đây hội quân với tướng quân để bàn đối sách vừa ra đến thì gặp Công Hãn tướng quân cũng trên đường vào Ái Châu, Công Hãn tướng quân cho hay Công Tiễn vì thấy bị cô lập, biết trước sau cũng bị tướng quân hỏi tội nên đã sai sứ cầu viện quân Nam Hán. Nay sự tình cấp bách, tất cả chúng tôi nghe theo Ngô tướng quân, tướng quân nén đau thương liệu sự cho nhanh kẻo giặc tràn bờ cõi khi ấy hối chẳng kịp.

Ngô Quyền nhìn qua Công Hãn, chỉ thấy Công Hãn gật đầu không nói, Ngô Quyền biết ý không hỏi thêm, khi ấy mới đứng lên khỏi ghế, trầm ngâm đi lại. Ngô Quyền thân cao tám thước, tuy tròn bốn mươi nhưng thân thể rất rắn chắc, bước bộ thanh thoát, cử chỉ oai vệ, có khí chất bậc bá vương. Được một lát, ông dõng dạc truyền lệnh:

- Sự tình cấp bách, thù riêng có thể hoãn, việc nước chẳng thể dừng, nay quân Nam Hán hẳn cũng nhân khi cha vợ ta vừa bị sát hại, lòng người hoang mang, quân tướng không phục mà đem quân vào chiếm nước ta lần nữa. Kiều Công Tiễn cho người sang sứ ắt nhận phần nội ứng về mình, ta phải trừ họa trong nước trước rồi mới bàn kế lui giặc. Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập nghe lệnh !

- Xin đợi lệnh ! - Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập cùng đứng ra chắp tay nói.

- Nay ta phong các người làm tả, hữu tiên phong, mỗi người kén lấy 2000 tráng sỹ, ngày đêm không nghỉ, tiến ra thành Đại La, đóng quân ở phía nam thành án binh bất động chờ mật lệnh của ta. Ta cùng Đinh tướng quân, Kiều tướng quân sẽ hội quân sau.

Mùa xuân năm 938, Dương Tam Kha, Ngô Xương Ngập làm tiên phong, chỉ huy đạo quân 4000 tráng sỹ, kịp đến thành Đại La, đóng quân ở phía Nam thành liền 15 ngày án binh bất động.

Kiều Công Tiễn biết tin lòng như lửa đốt, quân cứu viện Nam Hán thì chờ mãi chẳng thấy, nghiêm lệnh cho quân sỹ đóng kín cổng thành không được giao chiến.

Ngày thứ 15, Dương Tam Kha cùng Ngô Xương Ngập lúc này cũng đã đứng ngồi không yên, kẻ giết cha, giết ông thì đang ở ngay trước mắt mà chờ mãi không thấy lệnh của chủ tướng, bất nhẫn, Tam Kha ban với Xương Ngập :

- Ta thấy sức quân ta không thua Công Tiễn, chờ mãi chẳng thấy lệnh của chủ tướng, chi bằng ta cho tiến đánh hạ được thành, trả được thù rồi chủ tướng muốn trách mắng cũng không được.

Xương Ngập chưa kịp nói gì thì có lính hỏa tốc đến báo:

- Thưa hai tướng quân, có thư của chủ tướng Ngô Quyền.

Hai người mở thư ra, trong thư viết :

- Ta biết tài sức các ngươi đủ lấy đầu Công Tiễn, chỉ e vì lửa hận mà hành sự lỗ mãng hại đến dân chúng, nay các người đóng quân đã lâu, lòng Công Tiễn bây giờ nào khác có kiến bò ong đốt, ta đoán rằng chỉ vài ngày nữa, hắn không chịu nổi mà âm thầm chạy về phía Bắc qua Nam Hán, các người để lại 1000 người dựng cờ xí làm nghi binh, còn lại chia ra từng tốp 100 người, theo các lộ tiến về phía Bắc mà mai phục, lúc ấy lấy đầu Công Tiễn như trở bàn tay lại chẳng đánh động người dân. Ta cùng các tướng sẽ ở thành Đại La đợi các ngươi.

Đọc xong thư, Tam Kha cảm thán rằng:

- Chẳng trách xưa cha ta ưu ái anh rể đến vậy, thật là anh tài trong các anh tài.

Nói rồi bèn y kế mà làm. Quân sỹ chia nhau, 1000 người ở lại nghi binh, còn lại chia nhau làm hai đường tiến về phía bắc, hội với nhau ở Thuận Thành.

Quả y như lời Ngô Quyền, Công Tiễn ngồi trong thành mà như bơi giữa vạc dầu, lại nghe tin đại quân ở Ái Châu đang kéo ra thì lại càng hoảng loạn, liền trong đêm cùng tuy tùng 100 người mở cửa phía bắc âm thầm mà chạy, sáng hôm sau ra đến Thuận Thành, đang định nghỉ chân thì lính tráng ở đâu kéo đến vây kín.

Dương Tam Kha đứng ra quát :

- Công Tiễn, cha ta xưa nay chưa hề bạc với ngươi, sao ngươi đem lòng hãm hại, lại quên chăng xưa người cùng cha ta, Ngô tướng quân, Đinh tướng quân đánh đuổi quân Nam Hán, nay lại muốn rước voi về giày mả Tổ. Công Tiễn, tội của ngươi, kể sao cho hết.

Lại quay qua nói với tùy tùng của Công Tiễn :

- Các tráng sỹ đây đều là người Việt, há lại theo loài cẩu tặc này sao, nay buông đao bỏ kiếm thì không những toàn mạng mà còn có thể theo bon ta đánh giặc lập công.

Đám tùy tùng nghe thế liền chịu hàng, riêng Công Tiễn người run như chuột ướt mưa, mặt cắt không ra giọt máu, chết trân. Lúc ấy, bỗng đâu có một mãnh tướng thân người lực lưỡng, lông mày rậm rạp, trừng mắt chẳng nói chẳng rằng lao đến một đao lấy đầu Công Tiễn.

Trông ra mới biết là hổ tướng Phạm Bạch Hổ vốn là một từng theo Dương Định Nghệ đánh quân Nam Hán, tự nhỏ đã nổi tiếng là người văn võ song toàn, thẳng thắn bộc trực, nay nhân vì biết hung tin, nổi giận kéo quân ra Đại La rồi đuổi theo Công Tiễn đến đây. Bạch Hổ chém xong, nắm lấy đầu Công Tiễn rồi cùng người của mình kéo đi trong sự ngỡ ngàng của Tam Kha, Xương Ngập.

***

Cũng khi ấy, vua Nam Hán là Lưu Nghiễm cho con là Vạn Vương Hoằng Tháo làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, đổi tước phong là Giao Vương, lệnh:

- Người đem 2 vạn quân sang với danh nghĩa là cứu Công Tiễn. Dẹp được quân các nơi thì giết luôn Công Tiễn, đất ấy thời là đất của ngươi, của Đại Hán ta.

Lưu Nghiễm lại trông qua hỏi kế ở Sùng Văn hầu là Tiêu Ích. Ích nói:

- Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến.

Vua Hán đang muốn hành quân nhanh để đánh chiếm lại Tĩnh Hải quân, nên không nghe theo kế của Tiêu Ích , sai Hoằng Tháo:

- Người đem chiến thuyền theo sông Bạch Đằng mà vào. Ta sẽ tự mình làm tướng, đóng ở Hải Môn để làm thanh viện.Quân ta thế mạnh, quân địch đang hoang mang, lấy đất ấy khác nào lấy đồ trong túi, há phải nề hà điều chi.

***

Lại nói chuyện Ngô Quyền, mật thư đến tay Tam Kha và Xương Ngập thì 2 ngày sau ông cũng Công Trứ và Công Hãn cũng kịp đến hội với quân đang đóng ở phía nam thành Đại La. Ngô Quyền sai Công Trứ đi trước vào thành phủ dụ dân chúng, còn mình cùng Công Hãn vào sau.

Công Trứ tuy là tướng dày dạn trận mạc, nhưng bề ngoài lại đạo mạo như một văn sỹ, Ngô Quyền sai ông vào phủ dụ cũng vì lý ấy, Công Trứ vào thành không gặp chút kháng cự nào, lại có lính đến báo:

- Bẩm tướng quân, Kiều Thuận cháu của Công Tiễn đưa quân chay về phía đông rồi.

- Xin tướng quân hạ lệnh truy đuổi. - một bộ tướng đứng ra nói -

- Không cần, hành quân lần này đã lấy mạng Công Tiễn, ông nội của Công Hãn nay lại truy cùng đuổi tận em  trai ông ta thì ông ta phục được sao, Ngô chủ tướng sai ta mà không sai Công Hãn cũng vì không muốn hắn khó xử vậy.

Ngô Quyền vào thành, dân chúng không ai không mừng, vừa lúc Tam Kha, Xương Ngập về tới, liền triệu các tướng vào phủ luận bàn. Các tướng vào đông đủ, chia ra ta hữu ngồi đâu vào đó, Ngô Quyền ôn tồn nói:

- Ta hay tin tên giặc già Lưu Nghiễm sai con hắn là Hoằng Tháo mang hai vạn quân qua đánh nước ta, thế địch lớn như vậy, các ngươi sợ chăng ?

Lúc ấy, các tướng đều nhớn nháo hoang mang, chỉ riêng Công Trứ là vẫn không thay đổi nét mặt, Ngô Quyền liền hỏi :

- Đinh tướng quân thấy thế nào ?

- Tôi vào sinh ra tử bao phen, lại còn biết sợ sao, thế nhưng các tướng đây đều là anh hùng, nay chỉ nghe hai van quân đã không khỏi sờn lòng thì dân chúng nghe tin sẽ ra sao ? Địch thế đông, ta thế ít, lại đem lòng lo sợ  thì địch chưa vào ta đã thua.

- Đúng thế, đúng thế, nay ta nói để các tướng hiểu rồi cùng nói truyền ra để lòng dân được vững, Hoằng Tháo là chỉ đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính tuy đông còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Không những phá được, mà nếu theo kế của ta, chỉ cần một trận chúng đã tan tác không có chổ chôn thây.

Muốn biết Ngô Quyền bày kế gì mà thắng địch trong 1 trận, xem hồi sau sẽ rõ.

Click vào đây để xem các tập

2 nhận xét: